Từ cổ xưa đến nay, xuất phát từ việc quan sát sự vận hành của sự vật hiện tượng, tìm ra quy luật tự nhiên của vũ trụ (thiên nhiên), quy luật xã hội, đến cấu trúc cơ thể con người, thói quen hành vi của con người … hòng đưa ra các giải pháp hóa giải, điều chỉnh sửa đổi phù hợp giúp cuộc sống tốt hơn, tránh các hệ lụy không tốt xảy ra trong tương lai. Đó là phong thủy.
Trong cuộc sống đôi khi ta nghe người khác nói về phong thủy theo nhiều cách: thận trọng, sùng bái, mê muội, hay dửng dưng, đả phá, thậm chí phẩy tay. Phong thủy khó hiểu? Ghê gớm? Huyền bí? Hãy thử tìm hiểu và hình dung Phong thủy trong kiến trúc hình thù gì, để tham khảo và giải trí nhé.
Nội Dung
1. BỆNH KHÔNG PHẢI CHỈ TỪ MIỆNG MÀ VÀO
Người xưa hay có câu bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra, nhưng thực ra bệnh vào người có từ nhiều nguồn khác nhau, không đơn thuần đến từ thực phẩm; Này nhé, có vài nhóm như sau:
– Bệnh đến từ di truyền
– Bệnh đến từ không khí, đến từ ngoại lực tác động, …
– Bệnh từ thói quen sinh hoạt, làm việc quá sức, lười vận động, ăn chơi sa đọa, …
– Bệnh đến từ tâm lý, tâm tính, ký ức…
– Bệnh đến từ sùng bái, tín ngưỡng mù quáng,…
– Bệnh đến từ cách tổ chức chỗ ăn ở sinh hoạt và làm việc thiếu khoa học…
Vậy có bệnh thì phải vái tứ phương, nhưng tìm ra căn nguyên của bệnh là một việc không hề dễ dàng. Đôi khi không thể bằng y thuật mà phải bằng chính sự hiểu, ngộ và thông của người “bệnh”.
2. PHONG THỦY KHÔNG PHẢI LÀ MÊ TÍN
“Phong thủy” không phải không có những người tán phét để trục lợi, dọa dẫm hòng tạo lấy uy tín xã hội. Cá nhân người viết thực không thích dùng gán ghép câu chuyện “phong thủy” khi nói đến các nguyên nhân và hệ quả trong cuộc sống nói chung và câu chuyện xây cất nhà cửa nói riêng. Nếu gọi A là “nguyên nhân”, C là “hệ quả”, có người gật đầu công nhận ngay, có người bắt buộc phải thấy hay trải nghiệm qua B là “quá trình” thì mới công nhận và có người chẳng A, B hay C nào tồn tại. Nhưng hiềm nỗi B không phải lúc nào cũng hiện ra trước mắt, không phải lúc nào cũng là con đường đi thẳng, mà còn vòng vo lắt léo phụ thuộc quá nhiều các ẩn số. Không thấy, không tin, phủ nhận là chuyện dễ dàng được chấp nhận nhất.
Ví dụ: Anh X mới được cấp văn phòng riêng, anh kiên quyết không ngồi chỗ của người cũ, anh thích bài trí sắp xếp theo cách của mình và không để ý đến những chi tiết khác. Một thời gian sau anh luôn cảm thấy bất an, công việc thì không trôi chảy, các quyết định của anh cũng không còn nhạy bén nữa. Hai mắt của anh luôn mệt mỏi, thần kinh căng thẳng, lưng và cổ thường xuyên đau nhức. Gần đây đi khám bác sỹ cho anh biết anh có nguy cơ máu trong mỡ và trong thận có sỏi. Công việc ở công sở bê trễ dẫn đến cáu kỉnh, anh cố dĩ hòa ở cơ quan nhưng về đến nhà quên chữ vi quý với gia đình. Những người thân quanh anh, bạn bè, khách hàng bắt đầu nhìn anh khác đi. Anh thấy con người mình vẫn như vậy và tự hỏi lý do vì sao?
Có người bảo cúng vái thổ công chưa? Có người mang la bàn và que đo đến kiểm tra địa từ trường, đo thước Lỗ Ban đến kiểm tra. Có người lật sách bấm tay bảo mệnh anh xung khắc. Có người bảo hay là sức khỏe xuống cấp cần tẩm bổ. Có người khuyên anh đặt cái này, treo cái kia để yểm để phù. Có người còn dẫn cả thầy bói đến dọn quẻ phán anh có tiểu nhân hãm hại. Có người lại nói đơn giản thôi, anh xem lại vị trí ngồi, kích thước, bàn ghế, nội thất phòng sắp xếp hợp lý chưa, ánh sáng, thông gió, nhiệt độ, độ ẩm, cách âm, màu sắc thế nào, tầm mắt ra sao?.v.v…
Nhiều quá, loạn quá biết nghe ai, tất cả đều nhận rằng phương pháp của mình là phong thủy.
3. PHONG THỦY CÓ QUY LUẬT, MỌI VIỆC ĐỀU CÓ THỂ HÓA GIẢI ĐƯỢC
Từ cổ xưa đến nay, xuất phát từ việc quan sát sự vận hành của sự vật hiện tượng, tìm ra quy luật tự nhiên của vũ trụ (thiên nhiên), quy luật xã hội, đến cấu trúc cơ thể con người, thói quen hành vi của con người … hòng đưa ra các giải pháp hóa giải, điều chỉnh sửa đổi phù hợp giúp cuộc sống tốt hơn, tránh các hệ lụy không tốt xảy ra trong tương lai. Đó là phong thủy.
Vài ví dụ đơn giản ta hay nghe hay gặp:
– Cửa nhà nhìn về phía Nam để tránh từ gió mùa Đông Bắc. Hướng nhà không quay về núi: tránh gió lạnh và bóng quá lớn từ quả núi đè át căn nhà.
– Trước cau sau chuối: đầu nhà cao ráo thoáng mát, sau nhà thành một bức tường thiên nhiên kín đáo tia nhìn.
– Có ba cửa, dưới chân có thanh gỗ chắn: để phân loại khách và hãm người xộc vào nhà.
– Bình phong trước sân: tránh tia nhìn trực tiếp vào nơi thờ cúng.
– Gò đồi tả hữu, phía trước có hào nước, lưng tựa núi: giảm tốc độ tấn công quân địch, giúp cho thế công thủ liên hoàn bảo vệ và đường thoát khi thất thủ.
– Đòn dong chĩa vào nhà: vật thể hình mũi tên ngày ngày như muốn đâm vào mắt bạn khó chịu vô cùng, tương tự như nhà ở ngã ba vậy.
– Nhà không xây bên bờ lõm của sông: vì từ khi hình thành suối, địa chất nơi đây đã yếu sẽ tiếp tục bị xói lở bởi dòng chảy. Nhà bên thuận an toàn hơn bên nghịch đường…
– Phức tạp hơn một chút: Hướng nhà, vị trí bếp ăn, cầu thang thuận hay nghịch, số bậc chẵn lẻ như thế nào, trổ cửa phòng và đầu giường ngủ đặt ở đâu.
– Phức tạp hơn: Kích thước cũng như khối tích của không gian, cân đối (đặc rỗng) trên cửa đi cửa sổ với tường xây, hài hòa âm dương trong các cặp vật liệu, duy trì sự quân bình giữa không gian tĩnh và động, hóa giải các bức xạ năng lượng xấu…
– Phức tạp hơn nữa: Tuổi tác của bạn trong từng giai đoạn, sức khỏe của bạn trong một ngày, từng mùa trong năm, từng giai đoạn trong cuộc đời. Mệnh của bạn hợp xung về âm dương ngũ hành…
4. PHONG THỦY LÀ KHOA HỌC
Trở lại ví dụ phần số 2, có thể dễ dàng tìm thấy cách lý giải về sự việc tưởng chừng như mê tín hay thần bí đôi khi rất đỗi bình thường. Này nhé:
Anh ta xem lại phòng có bao nhiêu cửa cao rộng, vị trí hợp lý không? Có cản trở không? Bàn ghế xem có phù hợp với thể hình và sức khỏe không, vật liệu và cách sử dụng có bất tiện, có làm anh phân tâm không?. Phòng làm việc sắp xếp thế nào, gọn gàng chứ?
Kế tiếp tầm quan sát của anh khi làm việc có giúp anh bao quát tất cả không? Anh có bị giật mình vì ai đó gõ cửa hay đột nhiên xộc vào phòng không? Lưng anh tựa vào gì có chắc chắn không? Máy điều hòa không khí đặt như thế nào, thổi vào đâu, có lạnh quá hay bẩn quá không? Phòng làm việc có giúp anh nhìn thấy những khung cảnh giàu sức sống cũng như che chắn các tia nhìn soi mói, thậm chí nghe lén chứ? Cây cối trang trí có héo úa không? Có đặt gương soi hay treo tranh ảnh gây nhức mắt hoặc gây buồn bực không?… Giải đáp được, tôi nghĩ về mặt chủ quan đã hóa giải gần hết các căn nguyên gây bệnh.
Bàn ghế sai kích thước cơ thể, dùng lâu sẽ ảnh hưởng đến gân và xương khớp cột sống. Bàn phím con chuột đặt quá cao hay quá thấp hay vướng víu sẽ bị đau cổ tay và làm lệch vai. Vị trí ngồi bị động và không thấy an tâm sẽ làm ảnh hướng đến thần kinh và thính giác sau một thời gian, chưa kể dẫn đến bệnh về huyết áp tăng giảm và đau dạ dày.
Ánh sáng mạnh hay yếu quá ảnh hưởng đến thị giác là đương nhiên, vị trí đèn so với người thuận tay mặt hay tay trái cũng có ảnh hưởng lên thị giác. Cách sắp đặt đồ đạc và vật liệu bất hợp lý, khó sử dụng sẽ âm thầm tích lũy tác động lên thần kinh của bạn. Gió, không khí và nhiệt độ nếu không chế ngự sẽ tác động đến bộ máy hô hấp, từ đó dẫn đến một vài bệnh khác.
Vị trí nguồn nước và khu vệ sinh cũng có tác động đến thói quen bổ sung và tiêu thoát đối với những người bận rộn và ngán ngẩm, lâu dần có bệnh về thận và trĩ…
5. TÓM LẠI PHONG THỦY LÀ GÌ
Tóm lại thế này: Phong thủy là phương pháp giúp chúng ta hiểu rõ mình và sống tốt hơn, nếu ai đó bảo với bạn rằng phong thủy là phải thế này thế kia, nhưng cơ thể bạn mách bảo nó không phù hợp thì đó có thể chưa phải là phong thủy tốt cho bạn. Hoặc bạn có một căn nhà nhưng bạn không cảm thấy thoải mái với nó và tìm cách cải tạo nó theo đúng nhu cầu thì bạn đang làm công việc của chuyên gia phong thủy. Trong căn nhà của bạn, bạn và gia đình sống tốt, sống thoải mái, sống bền vững, và yêu quý từng góc nhà, từng mảng tường, chậu cây, cửa sổ, bầu trời … thì chúc mừng rằng bạn đang sống trong một thế giới quan rất đúng phong thủy.
Tạp chí Phong Thủy
Nguồn: https://lichvannien365.com/phong-thuy-huyen-bi-nhung-chan-chinh-la-khoa-hoc.html..